Ngộ độc Amoniac có triệu chứng gì?
- Nằm im ở đáy bể.
- Nổi lững lờ gần mặt bể hoặc đứng tự kỉ trong góc.
- Khó thở, “ngáp” nhiều ( Không phải do nhiều Co2)
- Bỏ ăn, hoặc giảm ăn.
- Tăng sản sinh chất nhầy (tuột nhớt).
- Xuất huyết dưới da, vây (xuất hiện các đốm hay vệt đỏ trên da cá hoặc vây/ đuôi).
- Cháy màu
Chia buồn cùng bạn, bạn sắp mất tiền mua cá mới rồi. Nếu không biết nguyên nhân tại sao, thì có nguy cơ bạn sẽ tốn thêm nhiều – rất nhiều tiền mua cá nữa.
Để bớt tiền mua cá, thì dễ nhất là các bạn cần đọc tiếp nội dung mình đề cập dưới đây.
Ngộ độc Amoniac
Có một thực tế đáng ngạc nhiên: kẻ thù nguy hiểm nhất của các loại cá, không phải là các loại vi khuẩn gây bệnh. Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại đa số các bể của người nuôi trên toàn thế giới lại đến từ 1 tên sát thủ vô hình mang tên: Ammonia (hay còn gọi là Amoniac – NH3)
Vậy hắn là ai ???
Đây là một hợp chất vô cơ được tạo bởi 1 nguyên tử Nito ở đỉnh và 3 nguyên tử Hydro ở đáy tạo thành 1 tam giác. Amoniac cực độc đối với tất cả các dòng cá cảnh, chỉ 1 lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc cho cá và dù có nhiều triệu chứng khác nhau nhưng cũng đều dẫn đến kết quả là hoặc em cá của bạn bị có những di chứng nặng nề, hoặc em sẽ ra đi …
Trong tự nhiên, Amoniac được sinh ra trong quá trình bài tiết và thối rữa xác sinh vật. Tại bể cá của bạn, Amoniac không ngừng được sinh ra do bài tiết của cá (25% qua chất thải rắn và 75% thải trực tiếp thông qua đường mang). Ngoài ra, chúng cũng có thể được sinh ra bởi lượng thức ăn thừa, bởi rong/ rêu/cá chết bị phân huỷ …
Thực tế chúng toàn hoàn vô hình và bạn không có cách nào nhìn thấy Amoniac bằng mắt thường được. Đó là lý do tại sao 1 bể nước trong vắt đôi khi lại gây nguy hiểm với cá của bạn hơn là 1 ao nước đầy bùn!!!
Một điều hiển nhiên là chúng ta không thể ngăn chặn việc con cá sản sinh ra Amoniac , bởi đây là quá trình bài tiết tự nhiên của cá. Chính vì vậy, nếu không có sự can thiệp thích hợp thì nồng độ Amoniac trong bể cá của bạn sẽ không ngừng tăng lên, và đến một tỷ lệ nhất định chúng sẽ thấm ngược trở lại cơ thể và gây ngộ độc Amoniac cho cá.
Trong nhiều trường hợp, việc ngộ độc Amoniac là khởi đầu cho việc gây stress và giảm đề kháng cho cá tạo ra một bữa tiệc thịnh soạn cho các vi khuẩn cơ hội hoành hành. (nấm, khuẩn ăn vây …)
Việc nhầm lẫn ngộ độc amoniac với bệnh tật và điều trị theo các thuốc đặc trị cũng thường giúp cho em cá của bạn về Đất Mẹ nhanh hơn.
OH, thật đáng sợ. Vậy chúng ta cần làm gì để đối phó với tên sát thủ nguy hiểm này?
Đầu tiên bạn phải trang bị “Kính thần” để có thể phát hiện ra hắn. Các cửa hàng thuỷ sinh hiện nay luôn sẵn có rất nhiều loại thuốc thử giúp bạn có thể xác định các chỉ tiêu nước, trong đó có ammonia. Cá nhân tôi đã dùng thử 2 sản phẩm phổ thông là bộ test kit của SERA và API, kết quả đo của 2 sản phẩm này cho thấy kết quả tương tự nhau nhưng bộ test của API dễ sử dụng hơn.
Việc test các chỉ tiêu này là cần thiết và bạn nên thực hiện chúng thường xuyên, đặc biệt nên làm sau khi bạn:
– thay một lượng lớn nước trong bể;
– vừa setup một bể cá mới;
– hay khi thêm một lượng lớn cá vào bể …
Vậy hàm lượng Amoniac bằng bao nhiêu là ổn?
Câu trả lời là 0. Vâng, bằng mọi cách bạn phải đưa chỉ số này về 0. Nếu không thể thì việc em cá của bạn bị ngộ độc chỉ là vấn đề thời gian.
Vậy làm thế nào để giảm hàm lượng Ammonia về 0 ???
1 – Thay toàn bộ nước trong bể (It’s funny – đừng dại nha, cá của bạn sẽ có khả năng bị shock và đôi khi chúng còn chết nhanh hơn bị ngộ độc ammonia)
2- Dùng cây để hấp thu ammonia (bao gồm cả cây thuỷ sinh) – không đủ đâu, trừ khi bể của bạn 90% là cây
3 – Để cho bộ lọc Vi sinh của bạn giải quyết câu chuyện này:
Đây là 1 chủ đề rất hay mà chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu kỹ hơn ở 1 bài viết khác về Chu trình Nitơ. Thật may mắn, mẹ Thiên nhiên vĩ đại đã tạo ra 1 nhóm các vi khuẩn mang tên nitrosomonas, nhiệm vụ của các vi khuẩn này là xử lý, hấp thụ Amoniac và chuyển hoá chúng thành NO2- – một chất hoá học ít độc hại hơn – và đây là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề. Đó là lý do tại sao bạn cần phải có 1 hệ thống lọc vi sinh tốt nhất có thể – để đảm bảo giữ cho bể cá của mình luôn trong tình trạng an toàn.
4- Sử dụng dung dịch khử ngộ độc amoniac: Seachem Amguard™
