Khi tham gia 1 sân chơi lớn như IAPLC, người tham dự có muôn vàn vấn đề phải lưu tâm như bố cục, cây cối, động vật, lọc, dòng chảy, Co2, nền, vi sinh và cả thời gian và cách chụp hình… nói chung là tất tần tật. Bài viết này xin chia sẻ kinh nghiệm thi IAPLC cho các bạn
Kinh nghiệm thi IAPLC
Hồi mới tham gia IAPLC, một trong những nội dung quan trọng trong thang điểm (chiếm 20% tổng số điểm của tác phẩm) làm tôi hoang mang nhất chính là “time process” tạm chuyển ngữ sang tiếng Việt là ” Dấu ấn thời gian”
Thang điểm IAPLC
Nếu các bạn chịu khó nghiên cứu booklet cũ giai đoạn truớc 2015 sẽ thấy đây là một nội dung có thang điểm riêng, chiếm 20% tổng số điểm
Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay nội dung này không còn, làm một scaper, bao gồm cá nhân tôi, phân vân liệu nó còn quan trọng hay không?
Trên thực tế, dựa vào kinh nghiệm của cá nhân, thông qua những bố cục 2018,2019,2020, tôi thấy tiêu chí này về mặt lí thuyết đã chia nhỏ cho 3 nội dung trong thang điểm ( hình số 0)
Tái lập môi truờng sống cho cá (50% điểm)
Thể hiện môi trường như trong tự nhiên cho bố cục (20% điểm)
Tuổi hồ (20% điểm)
Tức là, yếu tố này thực tế đã được nâng cấp, đòi hỏi cao và sâu sắc hơn trước đây, thực chất, nội dung này đã chuyển hoá thành “Dấu ấn thời gian của Môi trường sống dưới nước “
Vậy thế nào là “Dấu ấn thời gian” trong bố cục hồ thuỷ sinh?
Thú thật với các bạn, tới gần đây tôi mới thực sự vỡ lẽ ra nó có 2 phần:
Tuổi hồ, thường thể hiện qua sự ổn định của môi truờng và sự trưởng thành của cây thuỷ sinh trong hồ. Yếu tố này về mặt kĩ thuật có thể giải quyết được bằng cách làm bố cục đủ sớm để những cây thuỷ sinh kịp phát triển hoàn mĩ nhất, nôm na là nuôi cho cây kịp “trổ mã”
Tuổi vật liệu, thể hiện qua các tác động của thời gian như dấu vết bị xói mòn do dòng chảy, sự phong hoá và các tác động của các yếu tố tự nhiên khác vào vật liệu sử dụng cho bố cục như hình 1,2,3
Đối với tôi, đây là yếu tố khó đáp ứng nhất vì việc chọn vật liệu có tuổi đời cao vừa khó vừa lâu, khiến thời gian thực hiện phần cứng kéo dài, làm cho thời gian dành cho cây thuỷ sinh “trổ mã” bị cắt ngắn, và hậu quả thì chắc các bạn đã biết qua thứ hạng các hồ gần đây của tôi. nghĩ ló chán
Một trong những cách giải quyết chính là đập phá cắt dán để “ép” vật liệu tuân theo ý tưởng.
Tuy nhiên kĩ thuật này nguy cơ bị lạm dụng và việc tạo hình nhân tạo này có các hậu quả sau:
Hoạt hình hoá bố cục, tức là lí tưởng hoá khiến bố cục thiếu sự chân thật trong tự nhiên
Nhàm chán hoá bố cục, tức là lặp đi lặp lại những chi tiết do giới hạn của bộ nhớ con người
Để giải quyết các vấn đề này, tôi có một kinh nghiệm nhỏ như sau:
Sáng tạo nhiều ý tưởng.
Sưu tầm nhiều vật liệu.
Khi sưu tầm đủ vật liệu cho ý tưởng nào mới triển khai ý tưởng đó
Đây là cách đốt tiền, cực kì tốn thời gian và hao chỗ chứa vật liệu, tuy nhiên, không bột mà gột nên hồ một cách dễ dàng thì làng nước gom giải từ khuya rồi, làm gì tới phiên mình đúng không các bạn?
Chúc các bạn tái tạo thành công một bố cục đậm màu thời gian cho dự án IAPLC 2021